Nước đậu đỏ có tác dụng gì, theo Đông y và dinh dưỡng học? Cách nấu thế nào?
Là một nhân viên văn phòng cả ngày trong phòng máy lạnh, thỉnh thoảng bạn muốn đặt vài ly trà sữa hay cà phê sữa đá để vừa nhâm nhi vừa làm việc. Đâu biết rằng, theo Đông y, hai thức uống thịnh hành đó cùng với máy điều hoà sẽ khiến bạn dễ mắc các bệnh mẫn ngứa, béo phì,.. và các bệnh tai hại khác về sau.
Theo Đông y, thói quen dùng các thức uống lạnh và ở phòng máy điều hoà sẽ tăng tích tụ một yếu tố không tốt đó là thấp khí (có thể hiểu là khí ẩm). Các bài viết sau này trên Blog Bác sĩ da sẽ giải thích dần dần yếu tố này.
Nếu chọn một loại giải khát cho nhân viên văn phòng, có thể nghĩ tới làm một ly nước đậu đỏ. Câu hỏi là ai thích hợp uống nước đậu đỏ? Cách nấu ra sao?
Nước đậu đỏ giúp cơ thể giảm phù nề
Nước đậu đỏ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng táo bón, tăng cường trao đổi chất, chống oxy hóa, cải thiện làn da, trong đó tác dụng giảm phù nề được nhiều người biết đến nhất.
Đông y có khái niệm dưỡng sinh “ngũ sắc nhập ngũ tạng”, tức là thực phẩm của năm màu sắc này có tác dụng tương ứng với năm tạng. Đậu đỏ là có màu đỏ nên vào tạng tâm (tim), có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, bản thân nước đậu đỏ còn có chức năng kiện tỳ vị, giúp kiện tỳ lợi thấp, tức là loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể, từ đó giúp loại bỏ chứng phù nề. (tham khảo Bác sĩ Dư Nhã Văn – Đài Loan)
Như vậy, người có sẵn bệnh lý dư nước trong cơ thể sẽ phải thận trọng hơn, bởi vì phù nề do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như suy tim, chức năng thận kém và suy giáp,… Nếu là bệnh thận mãn tính khiến quá trình lọc của thận bị suy giảm và không thể thải nước, uống nước đậu đỏ sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ thể.
Tây y nói gì về nước đậu đỏ?
Theo quan điểm của khoa học dinh dưỡng, nước đậu đỏ chứa các chất dinh dưỡng như sắt, magiê, kali, saponin và polyphenol. Khi trong cơ thể có nhiều natri, nước có xu hướng bị giữ lại, cơ thể con người có cơ chế giữ lại kali và bài tiết natri, nước đậu đỏ chứa hàm lượng kali vừa phải nên giúp điều hoà chuyển hoá sinh lý này (theo chuyên gia dinh dưỡng Hạ Tư Văn)
Chất dinh dưỡng có trong nước đậu đỏ như magiê giúp duy trì các chức năng bình thường của tim, cơ, thần kinh và carbohydrate; sắt có thể thúc đẩy sự hình thành các tế bào hồng cầu, hỗ trợ vận chuyển và sử dụng oxy; polyphenol là chất chống oxy hóa. Nước đậu đỏ cũng chứa chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột, làm cho phân mềm và dễ đi ngoài.
Mặc dù hàm lượng sắt trong nước đậu đỏ không cao nhưng uống nước đậu đỏ khi đến kỳ kinh nguyệt cùng với các thực phẩm có hàm lượng sắt cao vẫn có thể giúp tăng khả năng vận chuyển oxy trong máu và giúp da đẹp hơn.
Phụ nữ có thể cải thiện sức khoẻ bằng nước đậu đỏ nhưng phải uống lượng vừa phải trong thời gian dài mới thấy được công dụng rõ rệt. “Bởi vì điều chỉnh thể chất không thể chỉ trong 1-2 ngày mà làm được. Cơ thể có trí nhớ, vậy nên cần ăn uống lành mạnh, thức ăn tốt và tươi mới trong thời gian dài thì cơ thể sẽ từ từ điều chỉnh theo hướng tốt.” theo chuyên gia dinh dưỡng Hạ Tử Văn.
Nước đậu đỏ có lợi ích đối với nhóm người nào?
Theo Đông y, người có thể trạng trao đổi chất kém, tuần hoàn không tốt, tỳ vị hư yếu, đặc biệt thể chất có thấp khí nặng thì có thể uống nước đậu đỏ để điều hòa:
- Kém ăn và thường xuyên khó tiêu.
- Thường cảm thấy mệt mỏi và dễ buồn ngủ, cho dù ngủ nhiều cũng không cảm thấy đủ giấc, cảm giác cơ thể nặng nề.
- Phân mềm và ướt, bám dính lên bồn cầu khó xả nước sạch.
- Có nhiều chất tiết như ghèn mắt, ráy tai.
Mặc dù nước đậu đỏ có thể giúp giảm phù nề nhưng không phải người bị phù nề nào cũng thích hợp uống nước đậu đỏ. Những ai bị phù nề kết hợp với bệnh lý thận, nếu quá trình lọc của thận bị suy giảm và không thể thải nước, uống nước đậu đỏ sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ thể.
Các thực phẩm khác có tác dụng tương tự
Ngoài nước đậu đỏ, thức uống thường dùng để giảm phù nề là nước “ý dĩ” (hạt bo bo). Tuy nhiên, nước đậu đỏ có tính bình nên có thể uống trong kỳ kinh nguyệt, nước ý dĩ hơi mát hơn, phụ nữ có thai nên tránh dùng để tránh động thai, dạ dày ruột dễ đâỳ hơi, tiêu chảy, trường hợp phụ nữ có tử cung lạnh khiến dịch âm đạo ra nhiều huyết trắng cũng hạn chế uống nước ý dĩ.
Các thực phẩm thuộc họ dưa, ý dĩ, rau bắp, đậu xanh,… cũng có thể giúp thải nước. Dư Nhã Văn khuyên: để thải phù nên dùng bí đao, gừng, đậu đỏ, ý dĩ. Vì thực phẩm họ dưa có tính thiên hàn nên bí đao có thể nấu chung với gừng.
Dân gian thường hay dùng các loại trái cây như dưa đỏ, đu đủ, kiwi, thanh long, chuối, cà chua nhỏ, mãng cầu,… cũng như các loại nấm, rau xanh đậm và các loại rau khác có hàm lượng kali cao, để giúp thải natri. Nhưng Hạ Tử Văn còn bổ sung thêm khi ăn những thực phẩm này thì cũng không nên ăn quá mặn.
Nếu như phù nề chỉ là do trao đổi chất kém, Dư Nhã Văn khuyên ngoài thực phẩm giàu kali, hàng ngày cũng hạn chế thức uống có đường, thức uống lạnh và tập thể dục hợp lý. Tập thể dục nhiều hơn có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi, tăng tuần hoàn máu và giúp trao đổi dịch (thuỷ thấp) hiệu quả hơn. Ăn nhiều gia vị như hành, gừng, tỏi, hạt tiêu, thì là,… có tác dụng làm ấm tỳ vị và cơ thể, tăng hiệu quả trao đổi chất trong cơ thể.
Cách nấu nước đậu đỏ
Chúng ta có thể tự đun nước đậu đỏ, khi chọn mua đậu đỏ thì không cần phải ra hiệu thuốc Bắc mua xích tiểu đậu mà có thể lựa chọn loại đậu đỏ thông thường được đóng gói hút chân không. Khi nấu nước đậu đỏ người ta rất sợ đậu đỏ bị vỡ nên không cần chọn loại đậu đỏ vỏ mỏng, vì vỏ mỏng khi vỡ sẽ khiến tinh bột chảy ra ngoài (theo Hạ Tử Văn)
Cách làm:
- Ngâm đậu đỏ trong nước qua đêm.
- Dùng 500cc nước với một nắm đậu đỏ, cho vào nồi ninh trên 30 phút.
- Khi đậu đỏ sắp nứt vỏ nhưng chưa vỡ ra, lúc này tinh bột vẫn chưa thoát ra ngoài, chúng ta múc phần nước trong ở phía trên uống. Phần này là nước lỏng màu đỏ trong, nổi lên trên khi đun nước đậu đỏ.
Phần đậu đỏ còn sót lại sau khi nấu nước đậu đỏ còn nhiều chất xơ, có thể dùng cho bữa ăn chính, dùng chung với cơm trắng hoặc các loại đậu khác. Đậu đỏ cũng có thể ăn khô hoặc trộn với mật ong.
Nếu chúng ta bị táo bón thì nên ăn kèm đậu đỏ. Nhưng nếu bị đầy hơi chướng bụng thì không nên ăn đậu đỏ, vì đậu làm cho bụng dễ bị đầy hơi. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước đậu đỏ cũng có thể gây đầy hơi, vì vậy nên uống có chừng có mực.
Bách Hợp (dịch và biên soạn)
Tham khảo: https://www.ntdtv.com/b5/2020/09/14/a102940246.html?utm_source=dable