Viêm da cơ địa #2: Ngứa da, vì sao càng gãi càng ngứa?

Vào mùa lạnh, đặc biệt khi đi du lịch đến nơi xứ lạnh, hay chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh, bạn có thể thấy hai má bắt đầu khô ran. Chỉ cần ngồi trước máy tính đã thấy mặt đỏ hừng hừng. Tay chân bắt đầu khô và nổi lên vảy trắng. Lúc này, làn da mất đi độ ẩm bảo vệ, tạo những kẽ hở cho bất cứ dị ứng nguyên nào xâm nhập vào.

Dị ứng nguyên xung quanh bạn có thể là bụi nhà … trong đó có “phân” của rất nhiều “sinh vật” sinh sống quanh ta, từ con “nhìn thấy được” như gián, chuột,… đến con “không nhìn thấy bằng mắt thường” như mạt nhà bám trên màn cửa, drap giường, mền, nệm, quần áo cũ,… Ra khỏi nhà, đến quán cà phê, quán nước, ngồi lên salon, có thể dị ứng với vải nhuộm màu, bụi bám trên vải,…

Như vậy da khô sẽ tạo kẽ hở, những chất dị ứng có “cơ hội” tiếp xúc với làn da bạn nhiều hơn, đưa ra tín hiệu “dị ứng”. Thế là cơ thể bạn tạo “phản ứng viêm” để chống lại chất dị ứng này, gây ra ngứa. Lúc này, vì ngứa khó chịu bạn “gãy đàn” liên tục trên da. Càng gãi nhiều, da càng tạo phản ứng viêm và cứ thế lan ra,…  Đây là vòng lẩn quẩn của bệnh lý (càng gãi thì càng ngứa, càng ngứa lại càng gãi) . Bạn làm tổn thương hàng rào da, tạo điều kiện cho chất dị ứng xâm nhập gây viêm, lại gây ra ngứa tiếp.

Khi đến phòng khám, làn da khô ngứa thường được chẩn đoán là: viêm da cơ địa, viêm da cơ địa dị ứng, chàm khô,… Thuật ngữ sẽ tuỳ theo bạn có kèm theo các vấn đề khác như viêm da tiếp xúc, bội nhiễm vi khuẩn,…

BS Bách Hợp

Bài viết có bản quyền, vui lòng không sao chép lại khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Be the first to comment “Viêm da cơ địa #2: Ngứa da, vì sao càng gãi càng ngứa?”